Dự báo sâu bệnh tổng hợp trong tuần (23.05.2016)

admin_bacterior Tháng Năm 24, 2016
Đến thời điểm hiện nay toàn vùng còn khoảng 600.000ha chưa xuống giống lúa hè thu 2016. Đối với những diện tích chưa xuống giống, bám sát lịch mùa vụ của Cục Trồng trọt, kết hợp với kết quả theo dõi bẫy đèn ở địa phương và thời tiết thủy văn đảm bảo xuống giống an toàn và hiệu quả. 
 
Ảnh minh họa

1. Trên lúa 
 
a) Các tỉnh phía Bắc 
 
– Rầy nâu – rầy lưng trắng: Tiếp tục xen, gối lứa, mật độ rầy tăng nhanh và tăng hơn cùng kỳ nhiều năm. Dự kiến cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 có lứa rầy cám nở rộ với mật độ cao, diện rộng và gây hại trên lúa giai đoạn trỗ – chắc xanh, có nguy cơ gây cháy rầy cao nếu không phòng trừ kịp thời tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng. 
 
Tại các tỉnh Bắc Trung bộ, rầy tiếp tục phát sinh gây hại trên lúa giai đoạn trỗ – chín (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) và có xu hướng giảm tại Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế do thu hoạch. Một số diện tích có mật độ cao, thiếu nước có khả năng gây cháy cục bộ nếu công tác phòng trừ không kịp thời, không đúng kỹ thuật. 
 
– Bệnh đạo ôn cổ bông: Tiếp tục phát sinh gây hại trên lúa giai đoạn trỗ – chín. Đặc biệt trên những ruộng gieo cấy các giống nhiễm, bị đạo ôn lá nặng, bón phân không cân đối, thừa đạm trong điều kiện thời tiết thuận lợi. 
 
– Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Tiếp tục gây hại tăng trên lúa giai đoạn ôm đòng – trỗ bông. Bệnh sẽ lây lan nhanh do gặp mưa to kèm theo gió, hại nặng trên các chân ruộng bón phân không cân đối, thừa đạm. 
 
– Sâu đục thân 2 chấm: Trưởng thành lứa 2 tiếp tục vũ hóa và đẻ trứng. Sâu non tiếp tục gây bông bạc diện hẹp trên trà lúa trỗ muộn. 
 
– Chuột: Tiếp tục phát sinh gây hại tăng nhanh trên lúa trà sớm trỗ bông – chín sữa, lúa chính vụ làm đòng tại các tỉnh. 
 
– Các đối tượng khác gây hại nhẹ, rải rác trên các trà lúa. 
 
b) Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên 
 
– Sâu cuốn lá nhỏ… phát sinh hại nhẹ lúa xuân hè giai đoạn đẻ nhánh – cuối đẻ nhánh, sâu keo, bọ trĩ… phát sinh hại chủ yếu lúa xuân hè, hè thu sớm giai đoạn mạ – đẻ nhánh. 
 
– Chuột: Hại nhẹ chủ yếu trên lúa xuân hè giai đoạn đẻ nhánh – cuối đẻ và lúa hè thu sớm giai đoạn gieo sạ – đẻ nhánh. 
 
– Ốc bươu vàng: Tập trung ở vùng trũng thấp. 
 
c) Các tỉnh phía Nam 
 
– Rầy nâu trên đồng phổ biến tuổi 5 đến trưởng thành, có mật số từ thấp đến trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ. 
 
Đến thời điểm hiện nay toàn vùng còn khoảng 600.000ha chưa xuống giống lúa hè thu 2016. Đối với những diện tích chưa xuống giống, bám sát lịch mùa vụ của Cục Trồng trọt, kết hợp với kết quả theo dõi bẫy đèn ở địa phương và thời tiết thủy văn đảm bảo xuống giống an toàn và hiệu quả. 
 
– Hiện mưa xuất hiện ở một số tỉnh, tuy nhiên lượng mưa không đều thường xen kẽ với các đợt nắng nóng là điều kiện thích hợp cho bệnh đạo ôn phát sinh phát triển trên trà lúa đẻ nhánh đến làm đòng. Cần theo dõi để có biện pháp quản lý tốt đối tượng này. 
 
– Ngoài ra cũng lưu ý đến các đối tượng như ốc bươu vàng, sâu cuốn lá nhỏ trên lúa giai đoạn mạ – đẻ nhánh; chuột, rầy phấn trắng, bệnh lem lép hạt ở giai đoạn đòng trỗ – chín. 
 
2. Trên cây trồng khác 
 
– Sâu đục thân, sâu cắn lá hại ngô; sâu đục thân đậu tương; sâu xanh, sâu tơ, bọ nhảy… gây hại trên rau có chiều hướng gia tăng, cần theo dõi và phòng trừ kịp thời. 
 
– Bệnh lùn cây ngô tiếp tục tồn tại gây hại trên những diện tích chưa được xử lý. 
 
– Cây hồ tiêu: Tuyến trùng rễ, bệnh chết nhanh, chết chậm hại tăng. 
 
– Cây thanh long: Bệnh đốm nâu gây hại trên cây thanh long hại nhẹ. 
 
– Cây nhãn: Bệnh chổi rồng nhãn tiếp tục gây hại ở các tỉnh ĐBSCL.
 
Theo Cục Bảo vệ thực vật

Bài viết liên quan